Câu chuyện nghề nghiệp: Khởi nghiệp nghề viết

Photo by Kaboompics .com on Pexels.com

Như có đề cập trong bài viết trước, sau nhiều năm lăn lộn với nghề viết lách kiếm cơm (8 năm có lẻ), mình có một số chia sẻ cho các bạn trẻ muốn vào nghề viết (content writer, copywriter, content marketing…). Với tấm gương “thành công” là mình – không nổi tiếng nhưng việc đến đều đều, mình tin rằng chỉ với một chút đam mê, năng khiếu và rất nhiều siêng năng, bạn sẽ làm được thôi.

Câu hỏi đầu tiên: Có cần giỏi văn để theo nghề viết không?

Nói thật với các bạn, điểm văn cao nhất của mình là 9,5 điểm từ hồi lớp 2, nhưng sau đó rớt xuống chỉ còn 7 – 8 điểm. Mà các bạn biết đấy, học ở Việt Nam 7 – 8 điểm gọi là vé vớt thôi 🙂 Thời của mình (cách đây hơn chục năm), môn Văn làm gì được sáng tạo như bây giờ. Giáo viên dù muốn cũng vẫn phải theo một barem có sẵn để giúp học sinh được điểm cao, đó là liệt kê hết các ý học sinh cần phải nêu trong bài luận, học sinh cứ học thuộc, bất chấp cách diễn đạt hay dở ra sao, miễn sao không sai chính tả, là sẽ được điểm đủ để được học sinh khá hoặc thậm chí là giỏi.

Vì thế, để trả lời câu hỏi có cần giỏi văn khi ngồi trên ghế nhà trường để trở thành một content writer không, câu trả lời là không cần. Vì kỹ năng viết, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng phân tích đều có thể luyện được. Quan trọng là bạn có thích nghề viết hay không.

Nhưng…

Bạn phải đọc nhiều. Chỉ có đọc nhiều mới học được những cách diễn đạt hay của các tác giả, dịch giả nổi tiếng. Đọc nhiều mới nhuần nhuyễn được chính tả và học được từ hay. Đọc nhiều mới nuôi dưỡng được tâm hồn và khả năng sáng tạo trên từng câu chữ.

Đọc ở đây, mình xin nói thẳng, ngôn tình không tính.

Nói thật, mình có thời gian đọc rất nhiều ngôn tình, nhưng đọc cho vui thôi, sau vài năm chẳng đọng lại gì, cũng chả mất thời gian suy ngẫm. Mình đọc truyện xuất bản lẫn truyện dịch nhưng có một thực tế rằng, truyện ngôn tình non nớt cả về cốt truyện, cách xây dựng và phát triển nhân vật, câu chuyện đằng sau nó, đặc biệt với giới ngôn tình Trung Quốc còn cài cắm tư tưởng Đại Hán rất nguy hiểm cho các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường tinh thần dân tộc chưa vững. Bạn có thể lý luận rằng truyện nào cũng cài cắm tư tưởng của nước đó, chính xác, nhưng đừng bao giờ quên rằng, chính quyền Trung Quốc rất nham hiểm, họ chưa bao giờ từ bỏ tư tưởng Đại Hán xâm lược, đặc biệt với Việt Nam. Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… ai cũng muốn gây ảnh hưởng đến chính quyền các nước nhỏ, nhưng ít nhất họ không ở sát bên kề dao, vác súng bắn người dân chúng ta. Nỗi đau Hoàng Sa – Trường Sa, hàng chục ngư dân bị sát hại, tấn công… các bạn trẻ à, đừng vì vài idol xinh trai đẹp gái mà quên đi.

Không đọc ngôn tình thì đọc gì?

Hãy đọc những best seller của New York Times, những tác phẩm văn học kinh điển (vầng, đôi khi chúng chán lắm, đọc mà ngáp lên ngáp xuống), đọc những tác giả được công nhận rộng rãi là có giọng văn sắc sảo như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…, đọc lời của Quốc Bảo – họ đều là những người biến ngôn từ thành nghệ thuật. Đọc càng nhiều bạn sẽ càng thấm.

À đừng hiểu lầm là mình phản đối ngôn tình nha 🙂 Cũng như nếu bạn đam mê phim nghệ thuật cao, đôi khi để giải trí xem phim hành động đơn thuần vậy đó. Thích đọc cứ đọc thôi nè, nhưng đừng học câu chữ từ ngôn tình là được (trừ khi bạn làm việc với client ngôn tình :D)

Mình muốn viết luôn thì phải làm sao?

Một lời khuyên rất cliche nhưng chưa bao giờ sai đó là just do it – đặt bút xuống viết luôn chứ làm sao. Ban đầu, những câu chữ của bạn sẽ rất ngô nghê, nhưng càng về sau, chúng sẽ có chất lượng cao hơn.

Một bài tập khá phổ biến trong giới UX Writing mà mình nghĩ có thể áp dụng cho content writing nói chung, đó là viết lại những nội dung mà bạn cảm thấy không thích.

Hàng ngày, bạn có thể đọc rất nhiều nội dung hay xem các ý tưởng video, billboard… mà bạn cảm thấy có thể làm cho chúng tốt hơn. Lấy ngay làm project nho nhỏ cho riêng mình, trình bày đẹp đẽ, nếu có đi xin việc thì lấy làm portfolio luôn cũng được đấy.

Trước mắt thế đã, khi nào có thời gian mình sẽ viết tiếp 🙂

Kỳ tiếp theo: Cách để xin việc copywriter/content writer

Leave a comment